Đừng để nguồn nước uống nhiễm bẩn “hủy hoại” sức khỏe trẻ em

by chiennguyen
0 comment

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên Hiệp Quốc, tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và 88% các trường hợp tiêu chảy ở trẻ là do nguồn nước không an toàn.

Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 2 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày vì bệnh tiêu chảy. Trong đó đa số các trường hợp có liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường. Phần lớn trẻ tử vong sống tại những nước đang phát triển và Việt Nam nằm trong số đó. Theo chương trình phòng chống tiêu chảy quốc gia, ước tính mỗi đứa trẻ bị hơn 2 đợt tiêu chảy hàng năm. Mỗi năm có tới hơn 1 ngàn trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi tử vong do căn bệnh này.

“Thủ phạm” không xa lạ!

Ở các nước đang phát triển, ước tính đến hơn 1 tỷ người vẫn phóng uế tự do vào môi trường và chỉ có khoảng 17% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Nhiều loại vi khuẩn nhất là vi khuẩn E.coli trong phân người và gia súc lan nhiễm vào nguồn nước là nguyên nhân trực tiếp gây ra tiêu chảy thông qua đường ăn uống, đặc biệt khi có các đợt dịch trong cộng đồng.

Tiêu chảy là tình trạng đi cầu phân lỏng, thường xảy ra ít nhất 3 lần mỗi ngày. Nếu chỉ diễn ra trong một vài ngày thì gọi là tiêu chảy cấp tính và thường không ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng lâu dài, nhưng nếu kéo dài đến 14 ngày hoặc lâu hơn thì có thể trở thành mạn tính và có thể gây ra hiện tượng suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Tiêu chảy cấp tính có thể gây ra tình trạng mất nước và rối loạn chất điện giải trong cơ thể với các biến chứng kèm theo. Trẻ có nguy cơ tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.

Trong khi đó, tiêu chảy mạn tính gây ra hậu quả lâu dài về tình trạng suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất cũng như trí não trẻ. Đồng thời, bệnh còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập của các bệnh nhiễm trùng khác vào cơ thể trẻ.

Chủ động phòng bệnh

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, các gia đình cần tập trung vào nguồn nước ăn uống và vệ sinh môi trường để giảm sự lây lan mầm bệnh theo đường trực tiếp từ phân đến miệng. Việc này được thực hiện thông qua việc cải thiện nguồn nước sạch, cũng như xử lý nguồn nước thải và đảm bảo lưu trữ và sử dụng nước an toàn tại các hộ gia đình, cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trường và giáo dục vệ sinh. Quá trình cung cấp nước sạch cần được tăng cường từ hệ thống cung cấp nước đã xử lý tổng và kết nối khép kín đến các hộ gia đình, song song với việc bảo vệ nguồn nước ngầm, nước bề mặt…

Nên sử dụng nguồn nước tinh khiết, an toàn hoặc đã qua xử lý bằng máy lọc nước uy tín để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các loại virut gây bệnh.

Tiếp theo, các điều kiện vệ sinh cũng cần được cải thiện, bao gồm xây dựng nhà vệ sinh khép kín thay vì thải thẳng ra môi trường. Điều này góp phần làm giảm tỷ lệ tiêu chảy 36%. Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục như rửa tay sau khi đi vệ sinh, rửa tay trước khi chuẩn bị bữa ăn và rửa tay trước khi ăn với xà phòng đúng cách sẽ làm giảm tỷ lệ tiêu chảy đến 47% (theo các kết quả phân tích cộng gộp).

Việc cải thiện nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường và giáo dục vệ sinh có ý nghĩa quan trọng giúp ngăn ngừa nhiễm ký sinh trùng đường ruột kèm theo tiêu chảy.

* Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu khác nhau cũng cho thấy, nguồn nước sạch, điều kiện vệ sinh môi trường đảm bảo và giáo dục vệ sinh đúng cách còn tác động tốt đến sự tăng trưởng, đồng thời, làm giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.

You may also like