Ai không nên uống nước lạnh trong ngày nắng nóng?

by Trang.ha
0 comment

Uống đủ nước mỗi ngày là điều cần thiết để hỗ trợ tất cả các chức năng của cơ thể, bao gồm tiêu hóa và trao đổi chất, loại bỏ chất thải, duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường cũng như giữ cho các cơ quan và mô khỏe mạnh. Nhưng một số người tin rằng uống nước lạnh trong mùa nóng có thể không tốt cho sức khỏe.

1. Uống nước lạnh ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Theo các bác sĩ khoa Tiêu Hóa cho biết, khi thời tiết nắng nóng, nhiều người lựa chọn giải nhiệt bằng cách ăn uống đồ lạnh, ăn kem… Các thói quen này có thể cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe.

Những người mắc các bệnh ảnh hưởng đến thực quản hoặc ống dẫn thức ăn, chẳng hạn như co thắt tâm vị, nên tránh uống nước lạnh. Một nghiên cứu năm 2012 cho biết, uống nước lạnh làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người mắc chứng co thắt tâm vị. Tuy nhiên, khi những người tham gia thay đổi sang uống nước ấm giúp làm dịu và thư giãn ống dẫn thức ăn, khiến thức ăn và đồ uống dễ nuốt hơn.

Một nghiên cứu năm 2001 cho thấy rằng uống nước lạnh có thể gây đau đầu ở một số người. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng 7,6% người tham gia bị đau đầu sau khi uống 150 ml nước lạnh. Họ cũng phát hiện ra rằng những người tham gia mắc chứng đau nửa đầu có nguy cơ bị đau đầu sau khi uống nước lạnh cao gấp đôi so với những người chưa bao giờ bị chứng đau nửa đầu.

Một số người cho rằng tiêu thụ đồ uống và thực phẩm lạnh có thể gây đau họng hoặc cảm lạnh. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, uống nước lạnh sẽ khiến người nhạy cảm dễ bị bệnh viêm họng.

Về trạng thái vật lý, nước lạnh có nhiệt độ thấp hơn, do đó các phân tử nước tích hợp rất khó hấp thu qua ruột. Bởi vậy dù có uống nước nhưng cơ thể vẫn cảm thấy khát, vẫn bị thiếu nước do không hấp thu đủ nước. Mặt khác, nước lạnh còn có tác dụng làm co mạch máu, gây ra các rối loạn nhất định.

Rải rác đã có báo cáo về những trường hợp hiếm gặp khi họ uống đồ uống lạnh trong mùa nắng và bị ngất. Các chuyên gia y tế đều cho rằng đó có thể là một căn bệnh không liên quan đến nhiệt độ nước uống. Điều này xảy ra là một hậu quả liên quan đến thần kinh.

2. Những ai không nên uống nước lạnh trong ngày nắng nóng?

Một số đối tượng không nên uống nước lạnh, đó là:

– Người đang bị sốt: Những người bị sốt do nhiễm khuẩn như cảm cúm, viêm mũi, viêm họng… Không nên uống nước lạnh vì nhiệt độ lạnh làm co mạch máu, làm giảm khả năng đề kháng của niêm mạc miệng họng khiến bệnh nặng thêm.

– Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt: Uống nước lạnh sẽ làm các mạch máu nhỏ ở khoang chậu co lại, phát sinh các hiện tượng như đau bụng kinh, thậm chí kiệt sức do ít máu nuôi dưỡng.

– Trẻ em và người cao tuổi: Ở người cao tuổi, chức năng tiêu hóa bị giảm sút, khả năng hấp thụ cũng suy giảm. Nếu uống nước lạnh sẽ gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí là mắc một số bệnh về đường ruột. Ở trẻ em, đường ruột và dạ dày chưa hoàn thiện, nếu trẻ nhỏ uống nước lạnh sẽ gây tiêu chảy, đau bụng, bệnh đường ruột… Do đó, cha mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước lạnh.

– Người mắc bệnh đường tiêu hóa: Những bệnh nhân bị viêm đại tràng, loét dạ dày, tá tràng, viêm đường ruột… Nếu uống nước lạnh sẽ làm co các mạch máu nhỏ trong dạ dày, ruột, dẫn đến niêm mạc thiếu máu, làm giảm chức năng tiêu hóa và khả năng sát khuẩn dễ gây nhiễm khuẩn tiêu hóa.

– Bệnh nhân tim mạch: Uống nước lạnh làm co các mạch máu nuôi tim gây rối loạn nhịp tim, đau cơ tim, tăng huyết áp,…

 Người làm việc ngoài nắng ra nhiều mồ hôi: Khi lao động dưới trời nắng nóng, mồ hôi ra nhiều, mọi người thường cảm thấy rất khát và muốn uống một cốc nước lạnh ngay để hạ nhiệt. Thực tế khi uống nước lạnh thì cũng thấy sảng khoái nhưng vẫn không hết khát vì trong nước lạnh, các phân tử nước ở trạng thái tích hợp lại nên rất khó thấm vào tế bào, nên dù bạn có uống nước lạnh nhưng tế bào vẫn rất khát. Mặt khác, nếu bạn bị cảm nắng hay say nắng thì mồ hôi không thoát ra được, cơ thể không tản nhiệt được sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng lên.

You may also like