Hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà theo lời khuyên của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu

by
0 comment

Để phát huy hiệu quả việc điều trị người nhiễm Covid-19 không triệu chứng tại nhà đòi hỏi sự hiểu biết không chỉ ở người bệnh mà còn ở người chăm sóc cùng nhà và những người xung quanh. Biết được sự quan tâm này, BV ĐH Y Hà Nội đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến “Hướng dẫn điều trị F0 tại nhà”.

Chương trình được chủ trì bởi PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm YHGĐ & CSSKCĐ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Từ đầu cầu Bình Dương, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Khi làm việc với các tỉnh ủy về vấn đề theo dõi F0 tại nhà, chúng tôi nhận thấy sự lúng túng rất rõ rệt của các bệnh viện cũng như trạm y tế lưu động ở những tỉnh dịch đang bùng phát. Hiện nay, số lượng F0 theo dõi tại nhà ở tỉnh Bình Dương lên đến 70 nghìn F0, các trạm y tế lưu động hiện nay chủ yếu chỉ có nhiệm vụ là nhập dữ liệu, ra quyết định cách ly/hết cách ly… nhưng không có khả năng để thực sự theo dõi bệnh nhân F0 tại nhà.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, F0 tại nhà hầu như không có triệu chứng lâm sàng, và chính vì không có triệu chứng lâm sàng nên người bệnh không biết bản thân mình phải làm gì, uống thuốc gì! Và những người bác sĩ cũng đang phải trả lời quá nhiều câu hỏi như vậy, điều này khiến cho những người thực sự cần chăm sóc, đánh giá tình trạng suy hô hấp, chuyển viện không nhận được sự theo dõi một cách chu đáo“.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, số ca F0 tăng nhanh ở nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Hà Nội, mỗi ngày ghi nhận trên dưới 1000 F0. Tuy nhiên, việc cách ly y tế đối với người nhiễm Covid-19 vẫn chưa được thống nhất tại nhiều địa phương trên cả nước. Có nơi yêu cầu tất cả F0 dù có triệu chứng hay không đều phải cách ly tập trung, một số nơi bắt đầu cho phép F0 không triệu chứng ở nhà theo dõi với sự giám sát của cơ quan chức năng địa phương.

Mọi người vẫn chưa nắm được là ở mức độ của họ sẽ đến đâu để được điều trị. Trong khi đó, tại các cơ sở y tế, chúng ta vẫn đang phân loại người bệnh Covid-19 theo các mức độ nghiêm trọng khác nhau để điều trị hay chuyển tuyến cao hơn. Các tiêu chí trong phân tầng điều trị như thế nào?

Bộ Y tế đã quy định mỗi người mắc Covid-19 thuộc vào 1 trong 3 tầng điều trị. Trong đó, tầng 1 là những bệnh nhân F0 nhẹ, không triệu chứng sẽ được theo dõi, quản lý tại nhà nếu như diễn biến bệnh nặng lên thì sẽ được chuyển lên tầng điều trị thứ 2. Tầng điều trị thứ 2 là những bệnh viện điều trị Covid-19 cho những người bệnh mức độ vừa, người bệnh lúc này sẽ cần có những hỗ trợ hô hấp nhiều hơn, ví dụ như thở oxy, điều trị thêm các bệnh lý nền mức độ nặng nếu có. Và tầng 3 là tầng điều trị ICU, tầng điều trị Covid-19 nặng nhất. 

Hiện nay chúng ta đang tập trung ở tầng 3 này, điều trị cá thể tức là nâng cao năng lực của tầng điều trị để cố gắng giảm tối đa tỷ lệ tử vong của những người mắc Covid-19 và đa phần trong thời gian theo dõi vừa rồi, chúng tôi nhận thấy là những bệnh nhân Covid-19 tử vong sẽ thuộc nhóm chưa tiêm vắc xin hoặc có bệnh lý nền rất nặng như ung thư, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp nặng… mà không được quản lý, điều trị tốt khi mắc Covid-19 sẽ trở nên rất nguy kịch“, PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm YHGĐ & CSSKCĐ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết.

Điều kiện để F0 theo dõi tại nhà?

Phương tiện theo dõi F0 tại nhà: nhiệt kế, máy đo huyết áp điện tử cá nhân, khăn giấy dùng một lần, nước sinh hoạt, vệ sinh khử khuẩn, khẩu trang, găng tay sạch, lót nilong màu vàng…

F0 cần làm gì tại nhà?

Theo PGS.TS. Thanh, đầu tiên, khi được xác nhận mình là F0 thì phải báo chính quyền địa phương để tự theo dõi tại nhà. Đồng thời, phải biết số điện thoại liên hệ với địa phương trong khoảng thời gian chờ người đến kiểm tra. Chú ý 5K, không tụ tập với những người xung quanh.

Tự đo thân nhiệt, cập nhật chỉ số sức khỏe hàng ngày, tải các thông tin cập nhật trên trang của Bộ Y tế để tự kiểm tra sức khỏe tại nhà. Đặc biệt phải nghiêm chỉnh chấp hành cách ly y tế trong thời gian chờ đợi xét nghiệm PCR (có thể mất từ 4 – 5 ngày). Không tiếp xúc với người trong gia đình mình, kể cả vật nuôi. Không dùng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân, tự cách ly mình trong phòng riêng có cửa sổ thông thoáng. Vệ sinh các bề mặt xung quanh như bàn ghế, tay nắm cửa… Người thân sẽ chuyển đồ ăn lên và chú ý xịt khử khuẩn.

Với rác thải y tế của người nhiễm Covid-19 thì cần phải buộc vào túi ni lông vàng, xịt khử khuẩn chuyển ra ngoài cho người thân mang vứt.

Với chế độ ăn của người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, khi bị nhiễm, người bệnh nên ăn những đồ chế biến dạng mềm, lỏng, lưu ý uống đủ nước để làm mềm niêm mạc đường hô hấp. Đồng thời phải chú ý tập luyện, tập luyện nhẹ nhàng, đi lại trong phòng để tăng cường hô hấp.

Người nhà của F0 cần chú ý những gì?

Người chăm sóc lưu ý vì là người chăm sóc trực tiếp nên nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn. Phải tự biết cách bảo vệ bản thân như đeo khẩu trang, đeo kính chống giọt bắn, dùng găng tay cầm đồ, rửa tay thường xuyên trong ít nhất 20 giây… Dùng khăn giấy lau khô một lần rồi vứt đi ngay, còn những khăn tái sử dụng cần mang đi phơi khô sạch, không tạo môi trường ẩm ướt sẽ tạo cơ hội cho virus SARS-CoV-2 hình thành.

Với nhiệt kế, máy đo huyết áp hay máy SPO2… người dân tự theo dõi cần chú ý chỉ số của các thiết bị y tế đó như thế nào? Khi nào là bình thường, khi nào các chỉ số đó cảnh báo dấu hiệu cần báo cho nhân viên y tế?

Một người F0 có chỉ số sức khỏe tốt sẽ tự đo lường, kiểm tra và khai báo lên cơ quan y tế. Còn những người không thể khai báo được sẽ cần nhờ tới người thân giúp đỡ. Cần theo dõi các chỉ số sinh tồn như:

– Oxy.

– Mạch.

– Huyết áp.

– Nhịp thở.

– Chỉ số SPO2.

– Nhiệt độ

Khi gặp phải các triệu chứng dưới đây, bệnh nhân không nên cố thủ ở nhà mà cần liên hệ với nhân viên y tế ngay: suy hô hấp, tiêu chảy, đau ngực…

Cách ứng phó khi có F0 tại nhà?

Ngày đầu tiên, F0 cần theo dõi nhiệt độ có bị sốt cao hay không (trên 37 độ). Cần uống nhiều nước và mở cửa phòng thông thoáng nếu thấy sốt cao. Tiếp theo, phải theo dõi chỉ số huyết áp. Tránh lo lắng, xem những thông tin gây hoảng hốt trên mạng vì rất dễ làm ảnh hưởng đến nhịp tim người bệnh. Có thể tập thiền, làm những việc yêu thích trong căn phòng của mình.

Hiện nay, người dân truyền tai nhau nhiều loại thuốc dùng để phòng chống Covid-19 hoặc điều trị cho các F0. Vậy các gói thuốc thiết yếu cần dùng cho F0 là những loại thuốc chính thống nào?

Theo PGS.TS. Thanh, hiện nay có 3 gói thuốc thiết yếu được sử dụng để điều trị cho F0:

– Gói thuốc A (gói thuốc không kê đơn, có thể chuẩn bị sẵn sàng ở nhà khi đơn vị y tế chưa chuyển thuốc đến) gồm:

Nhóm 1: Thuốc giảm đau, hạ sốt, thường dùng là Paracetamol (chú ý những người có tiền sử dị ứng với Paracetamol thì nên dự trù loại thuốc hạ sốt khác).

Nhóm 2: Thuốc bổ sung vitamin (nhóm B, D, kẽm).

Nhóm 3: Nước bù, nước điện giải, dung dịch oresol trong trường hợp có sốt cao hay khát nước. Còn nếu không thì cứ nước lọc, nước hoa quả, sinh tố…

Nhóm 4: Nước muối sát trùng mũi, họng.

Ngoài ra, có thể cân nhắc dùng thêm thuốc ho, siro ho hoặc nếu quá lo lắng.

– Gói thuốc B (gói thuốc theo chỉ định của cán bộ y tế) gồm có thuốc kháng viêm và kháng đông. Gói thuốc này chống chỉ định cho những người mắc các bệnh như viêm loét dạ dày – tá tràng, suy gan, suy thận, dễ chảy máu, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang cho con bú…

– Gói thuốc C (gói thuốc kháng virus), thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm. Ví dụ Molnupỉravir sẽ được dùng dưới sự giám sát của bác sĩ và cơ sở y tế, người dân không nên tự ý dùng. Gói thuốc này chỉ định cho người lớn từ 18-65 tuổi, người bị Covid-19 biểu hiện nhẹ, phụ nữ không mang thai và đồng ý ký phiếu chấp thuận. Chống chỉ định cho phụ nữ có thai, cho con bú, người bị suy gan, suy thận, viêm gan virus cấp, viêm tụy cấp hoặc mãn tính.

Virus SARS-CoV-2 không phân biệt bất cứ ai và người mắc Covid-19 không có nghĩa là họ đã làm gì sai. Đừng nên phân biệt đối xử với họ, mà chúng ta cần đoàn kết, đồng lòng cùng nhau chống đại dịch. Hãy là tấm gương cho người khác thấy tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang nơi công cộng, vệ sinh tay, gập khuỷu tay áo che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, duy trì khoảng cách an toàn với người khác, thường xuyên vệ sinh các vật/bề mặt hay được chạm vào.

Sắp tới đây, chúng ta sẽ có rất nhiều thời gian nghỉ lễ, hãy dành thời gian đó để chăm sóc bản thân và gia đình, luôn thực hiện biện pháp 5K mọi lúc, mọi nơi để đại dịch không bùng phát trở lại“, PGS.TS. Thanh nhắn nhủ.

You may also like