Người ăn chay khỏe mạnh hơn người ăn thịt?

by
0 comment

Một nghiên cứu gần đây tiến hành trên 166.000 người trưởng thành ở Vương quốc Anh đã cho thấy những người ăn chay có các đặc điểm sinh học “khỏe” hơn so với những người ăn thịt.

Kết quả nghiên cứu này đúng với mọi lứa tuổi và cân nặng khác nhau, nó cũng không bị ảnh hưởng bởi việc hút thuốc và uống rượu. Kết quả nghiên cứu được trình bày trực tuyến tại Đại hội Châu Âu về Béo phì (ECO).

Dấu ấn sinh học (Biomarker) có thể mang lại những tác động xấu và tốt đến sức khỏe, nó có thể thúc đẩy hoặc ngăn ngừa ung thư, tim mạch và các bệnh liên quan đến tuổi tác cũng như các bệnh mãn tính khác.  Dấu ấn sinh học đã được sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá ảnh hưởng của chế độ ăn uống đối với sức khỏe ở người. Tuy nhiên, các bằng chứng về lợi ích trao đổi chất của việc ăn chay vẫn khá mù mờ và thiếu chuẩn xác.

Để làm rõ lợi ích của việc ăn chay cũng như tìm hiểu về mức độ khác biệt của các dấu hiệu bệnh trong máu và nước tiểu do chế độ ăn uống tạo nên, các nhà nghiên cứu từ Đại học Glasgow đã thực hiện một nghiên cứu cắt ngang (loại nghiên cứu quan sát phân tích dữ liệu từ dân số, hoặc một tập hợp con đại diện, tại một thời điểm cụ thể) phân tích dữ liệu của 177.723 người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 37-73 và được ghi nhận là không có thay đổi lớn chế độ ăn uống trong năm năm qua. Những người này được phân loại thành người ăn chay – 4.111 người (tức không ăn thịt đỏ, thịt gia cầm hoặc cá) và người ăn thịt – 166.516 người. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mối liên quan của chế độ ăn với 19 dấu ấn sinh học trong máu và nước tiểu liên quan đến bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư, sức khỏe gan, xương và khớp và chức năng thận.

Các nhà nghiên cứu không loại trừ các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe như: tuổi tác, giới tính, giáo dục, dân tộc, béo phì, hút thuốc và uống rượu… Kết quả phân tích cho thấy những người ăn chay có 13 dấu ấn sinh học có hại cho cơ thể thấp hơn nhiều so với những người ăn thịt gồm: mức độ cholesterol toàn phần; cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay còn gọi là cholesterol “xấu”; apolipoprotein A và apolipoprotein B (nhân tố ảnh hưởng đến bệnh tim mạch); gamma-glutamyl transferase (GGT – chỉ số sinh hóa chức năng gan) và alanin aminotransferase (AST – chỉ số men gan); tình trạng viêm hoặc tổn thương tế bào gan; nhân tố tăng trưởng insulin (IGF-1; loại hormone kích thích sự phát triển và tăng sinh của tế bào ung thư); urat; tổng protein; và creatinine (dấu hiệu cho thấy chỉ số chức năng thận xấu đi).

Tuy nhiên, ngoài việc làm giảm những dấu ấn sinh học gây hại thì người ăn chay cũng được cho là bị thiếu hụt các dấu hiệu sinh học có lợi như: cholesterol ‘tốt’ (HDL), lipoprotein mật độ cao, vitamin D và canxi (có liên quan đến sức khỏe xương khớp). Ngoài ra, họ có mức chất béo (triglyceride) trong máu và cystatin-C cao hơn đáng kể so với người ăn thịt. Nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa ăn chay với mức đường huyết (HbA1c), huyết áp tâm thu, aspartate aminotransferase (AST; một dấu hiệu tổn thương tế bào gan) hoặc protein phản ứng C (CRP; dấu hiệu viêm).

Tiến sĩ Carlos Celis-Morales từ Đại học Glasgow, Vương quốc Anh, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cung cấp các gợi ý cho việc lựa chọn thực phẩm. Ngoài việc không ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có liên quan đến bệnh tim và một số bệnh ung thư, những người theo chế độ ăn chay có xu hướng tiêu thụ nhiều rau, trái cây và các loại hạt có chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và các hợp chất có lợi khác. Những khác biệt về dinh dưỡng này có thể giải thích tại sao những người ăn chay có các dấu hiệu sinh học dẫn đến tổn thương tế bào và bệnh mãn tính thấp hơn“.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng mặc dù nghiên cứu của họ có quy mô rất lớn, nhưng nó chỉ mang tính chất quan sát, vì vậy không thể đưa ra kết luận nào về các nguyên nhân và kết quả trực tiếp. Họ cũng lưu ý một số hạn chế trong nghiên cứu bao gồm việc: các thử nghiệm dấu ấn sinh học chỉ được tiến hành một lần/người tham gia, tất yếu các dấu ấn sinh học có thể dao động tùy thuộc vào các yếu tố không liên quan đến chế độ ăn uống chẳng hạn như các bệnh hiện có và các yếu tố lối sống không được đo lường. Họ cũng lưu ý rằng mức độ tin cậy của việc tự trả lời của những người tham gia về chế độ ăn uống của họ không phải lúc nào cũng đáng tin cậy.

Nguồn: Khoahoc.tv

You may also like

Leave a Comment