Bệnh thương hàn là căn bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, đặc biệt khi tiếp xúc với thực phẩm bẩn hay nguồn nước ô nhiễm. Hãy cùng xem căn bệnh này nguy hiểm thế nào và tìm hiểu cách phòng tránh.
Bệnh thương hàn là gì?
Bệnh thương hàn là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường tiêu hóa, do trực khuẩn có tên khoa học là Salmonella typhi và Salmonella paratyphi gây ra.
Cách mầm bệnh phát triển
Trực khuẩn thương hàn có thể sống nhiều tháng ngoài môi trường, chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng và hầu hết là do ăn phải thức ăn, sữa, nước uống nhiễm khuẩn… Vi khuẩn có thể đi xuyên qua hàng rào acid dạ dày, di chuyển về phía ruột non và sinh sản, phát triển ở đó. Sau đấy chúng tiếp tục chui qua màng nhày vào thành ruột và đi vào máu. Vi khuẩn được chuyên chở bằng những tế bào bạch cầu ở gan, lá lách và tủy xương. Khi đó vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở trong tế bào của những cơ quan này và quay lại dòng máu. Vi khuẩn xâm nhập vào túi mật, hệ thống ống mật và mô lympho trong ruột. Tại đây, chúng sinh sôi nảy nở với số lượng lớn.
Những điều kiện mắc bệnh thương hàn
Bệnh thương hàn thường xảy ra ở những khu vực có điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh. Phần lớn là những nước nghèo đói. Hoặc một số khu vực chất lượng sống thấp ở đang phát triển. Tại những nơi này nguồn nước và thực phẩm hay bị ô nhiễm, vi khuẩn thương hàn luôn có cơ hộ phát triển. Bệnh nhân bị bệnh cũng có thể lây ra môi trường nước xung quanh qua phân, nước tiểu, ở giai đoạn cấp tính các chất thải có chứa nồng độ vi khuẩn rất cao.
Triệu chứng của bệnh thương hàn
Bệnh nhân mắc bệnh thương hàn có những triệu chứng sau:
- Sốt cao liên tục 39 – 40 độ C. Trên cơ thể vã nhiều mồ hôi.
- Có thể xuất hiện các nốt ban nhỏ 2–3mm, màu hồng thường mọc ở bụng, mạn sườn, ngực.
- Nhức đầu, mất ngủ, ù tai, nói ngọng, nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng nằm bất động, cơ thể li bì, mê sảng hoặc hôn mê.
- Gan to mềm, mạch chậm so với huyết áp, huyết áp thấp, chướng bụng, đau dọc hố chậu phải, đi vệ sinh nhiều lần (hoảng 5 – 6 lần/ngày), phân màu vàng nâu, rất nặng mùi.
- Rìa lưỡi đỏ, giữa lưỡi phủ một lớp rêu màu trắng hoặc xám.
Những giai đoạn của bệnh thương hàn
Bệnh thương hàn có 4 giai đoạn từ lúc bắt đầu phát bệnh tới lúc kết thúc:
– Giai đoạn 1: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, thân nhiệt tăng cao, ho, nhức đầu, nhịp tim chậm.
– Giai đoạn 2: Bệnh tiến triển làm người bệnh mệt mỏi vật vã, sốt cao, chướng bụng, tiêu chảy, li bì, mê sảng do mất nước.
– Giai đoạn 3: Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, chảy máu cam, phân có máu, phân đen), rối loạn nhịp tim, nhiễm độc toàn thân, thủng ruột (biến chứng nguy hiểm nhất gây tử vong).
– Giai đoạn 4: Thời gian này bệnh nhân hạ sốt dần dần, đỡ mệt mỏi hơn, đường tiêu hóa dần hồi phục, ăn uống được, nên sức khỏe từ từ hồi phục.
Tuy nhiên không phải 100% bệnh nhân sẽ đến được đến giai đoạn hồi phục thứ 4, một số trường hợp đã tử vong ở giai đoạn 3. Nên căn bệnh này vẫn bị xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Phòng tránh và điều trị bệnh thương hàn
Cách điều trị bệnh thương hàn
Khi cơ thể có những triệu chứng mệt mỏi như đau đầu, sốt cao, tiêu chảy… nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra để được bác sĩ chẩn đoán chính xác có phải bạn đang nhiễm thương hàn hay không. Đồng thời cần được điều trị bằng kháng sinh phù hợp và được chăm sóc tốt nhất nhằm hạn chế những biến chứng không mong muốn.
Lưu ý: không nên tự ý sử dụng kháng sinh hay các loại thuốc đặc trị khi chưa có chỉ định của Bác sĩ hoặc Dược sĩ.
Cách phòng tránh bệnh Thương hàn
Bệnh thương hàn xảy ra nhiều ở những vùng bị ô nhiễm, tình trạng vệ sinh không tốt. Bệnh thường bùng phát thành đại dịch và lan nhanh ra xung quanh, đặc biệt là vào mùa hè. Vì thế giữ gìn vệ sinh ăn uống và sinh hoạt là giải pháp tốt nhất phòng chống bệnh.
- Nên xử lý tốt chất thải của người bệnh để tránh lây nhiễm, vệ sinh sạch sẽ sau khi tiếp xúc với bệnh nhân.
- Ăn chín uống sôi, ăn những thực phẩm an toàn cho sức khỏe. Nên lắp đặt máy lọc nước để có nguồn nước uống sạch khuẩn
- Vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân, nguồn nước sử dụng phải đảm bảo an toàn. Đối với những vùng sử dụng nguồn nước chưa qua sử lý cần lắp các thiết bị lọc nước cho nguồn nước sinh hoạt.
- Người bệnh thương hàn nên được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi kể cả nam hay nữ.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức đề kháng.
- Nên tiêm vacxin phòng bệnh thương hàn.
Thói quen sinh hoạt, ăn uống không đảm bảo vệ sinh không chỉ gây ra nguy cơ mắc bệnh thương hàn mà còn nhiều căn bệnh nguy hiềm khác. Hãy tự tạo cho bản thân và gia đình những nếp sống sạch sẽ, an toàn vệ sinh để phòng tránh được những căn bệnh không mong muốn.